Nhảy xa là gì? Nhảy xa có mấy giai đoạn? Đây chắc hẳn là những thắc mắc của rất nhiều người phải không nào? Để biết được câu trả lời chính xác nhất mời bạn đọc cùng sandbankssummervillage.com theo dõi bài viết dưới đây nhé.
I. Nhảy xa là gì?
Nhảy xa là một môn thể thao yêu cầu vận động viên thực hiện chạy đà theo một đường chạy thẳng, chọn vị trí giậm nhảy và góc giậm nhảy tốt để có thể bật nhảy xa nhất từ vị trí giậm nhảy về hố cát phía trước. Nhảy xa có tên tiếng Anh là Long Jump là một trong những nội dung thi đấu chính thức tại Olympic trong môn Điền kinh. Ở nội dung nhảy xa, mỗi vận động viên nhảy 3 lần nhảy để lấy thành tích cao nhất làm thành tích cuối cùng.
Đối với môn nhảy xa, yếu tố quan trọng để đạt thành tích tốt là tốc độ, sức mạnh và kỹ thuật. Trong đó, yếu tố kỹ thuật luôn được coi trọng, nhất là khi tham gia các giải đấu lớn.
II. Nhảy xa có mấy giai đoạn?
Nhảy xa có 4 giai đoạn: chạy đà, giậm nhảy, trên không và tiếp đất. Trong đó, giai đoạn chạy đà và giai đoạn giậm nhảy là hai giai đoạn quan trọng nhất.
1. Giai đoạn chạy đà
Khi chạy đà, độ dài của các bước chạy nên tăng dần, đồng thời kết hợp với việc nâng dần cơ thể lên, đặc biệt là tăng dần tốc độ, cho đến khi đạt tốc độ tối đa và duy trì tốc độ cao đó bằng cách giữ ổn định khoảng cách, trật tự và tần số bước chạy. Khi chạy đà, đặt nửa bàn chân trước tiếp đất, bàn chân sau chủ động duỗi thẳng, thân trên hơi hướng về phía trước, hai tay phối hợp tự nhiên, riêng bước cuối cùng, khi đặt chân giậm nhảy vào ván cần bước nhanh và ngắn hơn bước trước khoảng 1/2-1 bước chân, đồng thời đặt cả bàn chân lên ván để chuẩn bị cho động tác giậm nhảy. Lúc này, thân trên không nghiêng về phía trước hoặc phía sau, duy trì tư thế thẳng đứng, hai tay sẵn sàng đánh phối hợp với giậm nhảy đưa người về trước và lên cao.
2. Giai đoạn giậm nhảy
Giậm nhảy là giai đoạn quan trọng nhất của môn nhảy xa bắt đầu từ lúc bạn bước lên ván giậm nhảy. Lúc này chân giậm nhẹ, khuỵu gối rồi dùng sức của chân và toàn thân đạp nhanh và mạnh lên ván như sức bật của lò xo. Khi giậm nhảy phải tích cực đạp mạnh, hai chân thẳng, phối hợp đánh tay và đưa chân lăng ra trước – lên cao, giữ thăng bằng cơ thể và phải phối hợp nhịp nhàng với tốc độ nằm ngang của chạy đà tạo nên.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thành tích đạt được phụ thuộc vào sức mạnh của chân, độ linh hoạt của cổ chân, sức bật của bàn chân, sự phối hợp nhịp nhàng của toàn thân, đặc biệt là sự phối hợp chính xác giữa lực giậm nhảy và lực do chạy đà tạo ra, góc giậm nhảy hợp lý. Góc giậm nhảy khoảng 70-80 (so với mặt đất phía trước) để đạt góc bay khoảng 20 – 240.
3. Giai đoạn trên không
Sau khi rời khỏi mặt đất, trọng tâm cơ thể sẽ bay theo hình vòng cung, lúc này vận động viên cần giữ thăng bằng và tạo điều kiện thuận lợi để rơi xuống hố cát hiệu quả nhất. Sau khi bay được 1/3~1/2 quãng đường ở tư thế “bước bộ”, vận động viên cần kéo chân giậm lên cho đến khi song song với chân lăng và nâng đùi lên vị trí gần ngực. Ở tư thế này, phần thân trên không được cúi quá nhiều về phía trước. Tiếp đó, trước khi rơi xuống hố cát, hai chân duỗi thẳng hoàn toàn, đồng thời hai cánh tay đánh thẳng xuống dưới, về phía trước và phía sau. Động tác này rất tốt cho việc duỗi thẳng chân và giữ thăng bằng cho cơ thể trước khi rơi xuống.
4. Giai đoạn tiếp đất
Khi hai chân bắt đầu chạm đất, bạn chủ động khuỵu gối để giảm chấn động, đồng thời ưỡn người, vươn hai tay về phía trước để giữ thăng bằng, không để mông hay tay chạm cát phía sau, sau đó đứng dậy và đi về phía trước, rời khỏi hố nhảy. Không đi sang ngang hoặc lùi vì theo luật thi đấu thành tích sẽ tính từ bộ phận cơ thể chạm cát gần ván nhất. Động tác tiếp đất đòi hỏi phải khéo léo, nhanh nhẹn, mềm dẻo và hết sức chủ động để tránh những chấn thương không đáng có hay ảnh hưởng tới kết quả, thành tích.
III. Một số quy định trong luật Điền kinh về nhảy xa
1. Đối với cuộc thi
- Thứ tự các vận động viên thực hiện các lượt nhảy sẽ theo thứ tự bốc thăm.
- Khi số lượng vận động viên trên 8 người thì mỗi vận động viên được nhảy 3 lần, 8 vận động viên có thành tích tốt nhất được nhảy thêm 3 lần nữa theo trình tự ngược lại với thứ tự xếp hạng thành tích của họ được ghi ở 3 lượt nhảy đầu.
- Khi một vận động viên bắt đầu, những vận động viên khác không được phép sử dụng đường chạy để tập luyện.
Vận động viên sẽ bị tính vi phạm nếu:
- Chạm vào mặt đất phía sau vạch nhảy bằng bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, cho dù chạy đà không giậm nhảy hay giậm nhảy.
- Giậm nhảy phía bên ngoài phạm vi của cả hai đầu ván, dù ở phía sau hay phía trước đường kéo dài của vạch giậm nhảy.
- Trong khi rơi, điểm tiếp đất bên ngoài khu vực tiếp đất gần với ván giậm hơn điểm tiếp xúc gần nhất trong khu vực rơi.
- Sau khi hoàn thành lần nhảy bạn đi ngược phía sau qua khu vực rơi xuống.
- Thực hiện (sử dụng) bất kỳ hình thức nhào lộn nào trong khi chạy đà hoặc giậm nhảy.
Lưu ý: Vận động viên chạy ra khỏi vạch trắng không bị coi là phạm lỗi.
- Tất cả các lần nhảy sẽ được đo từ điểm chạm gần nhất do bất kỳ bộ phận nào của cơ thể hoặc chân tay trên khu vực rơi tới vạch giậm nhảy hoặc đường kéo dài của vạch giậm nhảy và việc đo phải tiến hành vuông góc với vạch giậm nhảy hoặc đường kéo dài của vạch này.
- Mỗi vận động viên được tính thành tích tốt nhất trong các lần nhảy bao gồm cả những lần nhảy để quyết định vị trí đầu tiên khi có sự bằng nhau.
2. Đối với đường chạy đà
- Độ dài tối thiểu của đường chạy đà là 40m-45m. Chiều rộng đường chạy đà tối thiểu là 1.22m và tối đa là 1.25m, được đánh dấu bằng vạch trắng rộng 5 cm.
- Độ nghiêng tối đa cho phép của đường chạy đà không được vượt quá 1/100 và độ nghiêng của hướng chạy đà không được vượt quá 1/1000.
- Một vận động viên có thể được đặt 1-2 vật đánh dấu (do BTC cung cấp hoặc cho phép). Tuy nhiên, nếu không có dấu hiệu đó, vận động viên có thể sử dụng băng dính (không sử dụng phấn hoặc những thứ tương tự để tạo thành một dấu hiệu không thể xóa được).
IV. Kết luận
Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin giúp các bạn giải đáp thắc mắc nhảy xa có mấy giai đoạn. Hy vọng những chia sẻ của chuyên mục thể thao sẽ hữu ích với các bạn.